Quy định về phạt lỗi đèn vàng như đèn đỏ
Nhiều người cho rằng, Nghị định 46 quy định hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ bị phạt tiền như nhau là không đúng so với tính chất của hai màu đèn tín hiệu giao thông.
- Máy đọc lỗi ô tô hàng đầu thế giới đọc được lỗi mọi dòng xe
Từ 1/8, theo Nghị định 46 của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171 và 107), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành: với ôtô có thể lên tới 2 triệu đồng và 400.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy...
QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU
Thông tin trên nhận được sự quan tâm của độc giả Zing.vn với hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Độc giả Nam cho rằng, quy định phạt theo Nghị định 46 là không đúng với tính chất của đèn đỏ và đèn vàng.
“Đèn đỏ báo hiệu lệnh dừng hẳn, còn đèn vàng thì tính chất của nó báo hiệu sự chuyển đổi từ xanh sang đỏ để người đi đường không bất ngờ”, Nam phân tích.
Đồng quan điểm, bạn Xuân Quỳnh nêu thực tế, khi di chuyển trên đường đô thị với tốc độ khoảng 60km/h, đèn đang màu xanh chưa đầy 1/20 giây đã chuyển sang đèn vàng. Với khoảng cách 5 đến 10 m, người đi xe sẽ khó phanh kịp thời.
Còn độc giả Đình Vũ thì nhìn nhận, nếu vượt đèn vàng mà bị phạt thì bất hợp lý. Người này nhận định: “Khi gặp đèn vàng mà thắng gấp thì người đi phía sau xử lý không kịp sẽ xảy ra tai nạn”.
Trái với các ý kiến này, bạn đọc Văn Thật cho rằng, cần hiểu rõ ý nghĩa của 3 màu đèn tín hiệu. Theo đó, đèn xanh và đỏ là bắt buộc phải tuân thủ tín hiệu. Đèn vàng là báo hiệu để người tham gia giao thông tính toán thực tế có thể vượt hay không để xử lý.
Từ 1/8/2016, vượt đèn vàng sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng.
"Đèn vàng là để chạy chậm lại rồi dừng khi đèn sang đỏ. Nếu người ta có ý thức thì khắc họ sẽ dừng lại khi có đèn vàng, còn không thì cố tình vượt, mà một khi cố tình vượt thì có thể sẽ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, chỉ nên phạt nặng những tình huống vượt đèn đỏ để thức tỉnh người tham gia giao thông có ý thức kém", bạn đọc Thân Thiện chia sẻ.
Một độc giả khác ủng hộ Nghị định 46 nêu quan điểm, việc phạt người đi xe vượt đèn vàng sẽ giúp người khác an toàn hơn khi lưu thông trên đường. “Sẽ không còn những trường hợp người dân thấy đèn vàng là cố tăng tốc để vượt, như vậy rất nguy hiểm”, người này bày tỏ.
KHÔNG PHÙ HỢP LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Chia sẻ với Zing.vn, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, điểm khác biệt và gây nhiều tranh cãi trong dư luận ở việc, Nghị định 46 quy định tăng gần gấp đôi mức tiền xử phạt vi phạm đối với hành vi vượt đèn đỏ và hành vi xử phạt vượt đèn vàng ngang bằng với hành vi vượt đèn đỏ.
Theo luật sư, tại Khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; trong khi tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
“Như vậy, vượt đèn vàng đã được luật giao thông đường bộ coi là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Thơm chia sẻ.
Theo luật sư Thơm, hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ đối với việc cố tình vượt đèn đỏ. Do đó, Nghị định 46 quy định mức xử phạt tương đương nhau là không phù hợp với Luật giao thông đường bộ.
Luật sư phân tích, tình trạng vượt đèn tín hiệu vàng có thể do vô ý. Ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ hoàn toàn do lỗi cố ý. Đèn tín hiệu vàng thường xuất hiện nhanh chỉ ít giây nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ, vô hình chung là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng.
Theo quan điểm của luật sư, CSGT nên xử phạt lỗi vượt đèn vàng thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ (như quy định hiện hành tại Nghị định 171). Việc xử phạt nặng lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ có thể gây khó khăn cho cán bộ thực thi vì khó xác định được bằng mắt thường nếu người điều khiển phương tiện vượt qua vạch khi có tín hiệu đèn vàng.
“Hệ thống camera giám sát giao thông không phải ngã 4 nào cũng được trang bị. Do vậy sẽ có nhiều tranh chấp giữa cán bộ thực thi và người tham gia giao thông”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Theo Zing News
- vệ sinh kim phun xăng điện tử, súc béc hoàn toàn miễn phí
Không có nhận xét nào: